TRANG CHỦ / GIỚI THIỆU

Lạng Sơn mở rộng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương

09/21/2024 15:18:54

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm nông sản đã được đẩy mạnh. 

<p>Lạng Sơn mở rộng v&agrave; ph&aacute;t triển thương hiệu n&ocirc;ng sản địa phương</p>

Nhờ vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, sự đa dạng về sinh học, Lạng Sơn đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi nên Lạng Sơn có nhiều thế mạnh để phát triển các loại hoa quả như na hay các loại rau xanh như: cải làn, tàu soi, cải xanh... được người tiêu dùng ưa thích. Nâng cao chất lượng từng sản phẩm, đồng thời quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng được coi là hướng đi bền vững để xây dựng thương hiệu nông sản Lạng Sơn.

Lạng Sơn có diện tích trồng rau hàng năm từ 7.000 – 7.500 ha, cho sản lượng bình quân trên 100 nghìn tấn, giá trị thu được hơn 800 tỷ đồng/năm. Trong đó có một số loại rau đặc sản vùng như: cải ngồng, cải làn, bò khai… Trong đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã mở rộng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đáp ứng nhu cầu liên kết hợp tác sản xuất rau theo một quy trình thống nhất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từ năm 2007, Hợp tác xã (HTX) Nà Chuông, Mai Pha (TP Lạng Sơn) được thành lập, đến nay, có 47 hộ dân với 88 xã viên tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 10 năm thành lập, HTX đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng.

Rau sạch Nà Chuông hiện không chỉ có các nhà hàng ở thành phố Lạng Sơn đặt mua mà còn có một số nhà hàng ở các địa phương như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng… ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Rau sạch Nà Chuông đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn.

Tỉnh có một số loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn như na, quýt, hồng… với tổng diện tích khoảng 5.300 ha, sản lượng đạt khoảng 26.200 tấn, cho doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về một số loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: cây hồi với diện tích hơn 34.000 ha, cây chè có diện tích 800 ha và cây thạch đen diện tích trồng hàng năm từ 1.500 – 2.000 ha.

Lạng Sơn nổi tiếng với các sản phẩm nông sản địa phương

Hồng Vành Khuyên Văn Lãng

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã trao Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Hồng Vành khuyên Văn Lãng" cho UBND huyện Văn Lãng.

Hồng Vành khuyên là một trong những loại cây ăn quả đặc sản có từ lâu đời trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Quả hồng Vành khuyên thuộc nhóm hồng ngâm, được trồng trên địa bàn toàn huyện Văn Lãng, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Việt, Hồng Thái. Tổng diện tích trồng giống hồng này đạt trên 660 ha, sản lượng từ 1.200 đến 1.500 tấn/ năm, hàng năm mang lại thu nhập gần 20 tỷ đồng cho những hộ trồng. So sánh với cây lúa, giá trị thu nhập 1 cây hồng Vành khuyên từ 15 tuổi trở lên tương đương 1 sào lúa. 

Na Chi Lăng

Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, trong đó núi đá và rừng là chủ yếu. Đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 19,67% diện tích toàn huyện với khoảng 14.000 ha là phù hợp với các loại cây trồng. Những năm qua, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng na, vùng trồng ớt, vùng trồng gừng,... Đặc biệt cây na thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai, khí hậu nên đến nay, cây na không chỉ là cây ăn quả xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng chủ lực mang lại sự ấm no, giàu có cho đồng bào sinh sống trong vùng.

Huyện Chi Lăng cho biết, hiện Chi Lăng được coi là vùng sản xuất na tập trung lớn nhất cả nước, được trồng chủ yếu ở 08 xã và thị trấn gồm: Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, xã Y Tịch, xã Thượng Cường, xã Hòa Bình với diện tích trên 1.500 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 15.000 tấn, giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng/năm. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu na Chi Lăng, đồng thời được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập công nhận na Chi Lăng vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Ngày 29/7/2017, na Chi Lăng đã được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lựa chọn tôn vinh nằm trong Top 150 sản phẩm đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”.

Toàn huyện đã có gần 1.000 ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn theo Thông tư 51/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công hơn 86,96 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Năm 2018, sản lượng na của tỉnh Lạng Sơn ước đạt khoảng 27.000 tấn. Trong đó, sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn, na theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 48 tấn, số còn lại đều đã được các hội cam kết sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. 

Trong năm 2018, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm rau, củ, quả và xúc tiến xuất khẩu trái na theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, chủ trương xúc tiến thương mại, xây dựng hồ sơ để xuất khẩu sang Australia như các loại trái cây khác. Hiện chuỗi giá trị na Chi Lăng đang dần hoàn chỉnh.

Hoa Hồi Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh có diện tích hồi lớn nhất cả nước với 33.503 ha, chiếm 70% nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến các sản phẩm gia vị theo tiêu chuẩn hồi tự nhiên. Đặc biệt, hoa hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu cao, trong tinh dầu không có độc tố. Mỗi năm, cây hồi cho quả hai vụ là vào tháng 8 và tháng 4 âm lịch, mỗi vụ kéo dài 3-4 tháng. Cây hồi phát triển tốt tại Lạng Sơn do phù hợp với loại đất và sinh trưởng ở địa hình cao.

Từ năm 2007, sản phẩm hoa hồi, cây hồi ở đây đã được cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ. Đặc biệt, trong năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn tại châu Âu.

Để giữ vững thương hiệu hồi, địa phương thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho bà con. Những khu rừng hồi xanh biếc đang ngày một rộng ra với quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến sạch. Đặc biệt, mới đây, Công ty Quế Hồi đã vận động bà con trong xã thành lập các nhóm sản xuất cây hồi hữu cơ.

Để tạo ra những đột phá cho nhiều loại cây đặc sản của xứ Lạng, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng “Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó có cây hồi. Theo đó, vùng nguyên liệu hồi được tập trung vào những địa bàn trọng yếu gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia,Văn Lãng, với tổng diện tích hơn 20 nghìn ha.

Lạng Sơn định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương cho giá trị kinh tế cao

 Lạng Sơn hiện có 8 vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như vùng chuyên canh cây hồi ở ba huyện: Văn Quan, Bình Gia và Văn Lãng với tổng diện tích hơn 34 nghìn ha, sản lượng bình quân hàng năm từ 6 nghìn đến 7 nghìn tấn hồi khô, tổng doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chưa tính các dịch vụ và sản phẩm qua chế biến.

Hiện tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hồi, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Bắc Mỹ, Pháp, Đức và một số nước châu Âu. Vùng thạch đen cũng cho giá trị xuất khẩu cao, tập trung ở hai huyện Tràng Định và Bình Gia với diện tích trồng hàng năm từ 2.000 đến 2.500 ha, cho sản lượng hơn 10 nghìn tấn (khô). Sản phẩm thạch đen được xuất bán sang Trung Quốc, doanh thu bình quân đạt 120 tỷ đồng/năm. Cây hồi và thạch đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh những cây truyền thống, mũi nhọn, tỉnh phát triển trồng cây thông mã vĩ ở các huyện Đình Lập, Lộc Bình…, nâng diện tích rừng thông lên 126 nghìn ha. Cây thông chủ yếu để khai thác nhựa và gỗ. Bình quân mỗi năm, sản phẩm nhựa thông đạt hơn 13 nghìn tấn, gỗ tròn đạt 4.500 m3. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh cây lâm nghiệp như: cây keo, bạch đàn tại huyện Hữu Lũng; cây dược liệu tại huyện Đình Lập…; phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Gia Cát, Tân Liên (huyện Cao Lộc) và TP Lạng Sơn...

Để phát triển vùng chuyên canh theo quy hoạch, tỉnh quan tâm thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất, vốn tham gia đầu tư vào các loại cây mục tiêu.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng người nông dân sản xuất theo kế hoạch, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho lao động nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển các loại cây nguyên liệu đúng vùng đã lựa chọn với quy mô đã duyệt để phát triển bền vững.

tin cùng chuyên mục