TRANG CHỦ / TIN TỨC - SỰ KIỆN
Nuôi cá lồng đạt sao OCOP ở Lạng Sơn, bắt cá rô phi to bự hút chân không, hễ ăn nhà nào cũng khen

10:19 18/07/2025

<div>Nu&ocirc;i c&aacute; lồng đạt sao OCOP ở Lạng Sơn, bắt c&aacute; r&ocirc; phi to bự h&uacute;t ch&acirc;n kh&ocirc;ng, hễ ăn nh&agrave; n&agrave;o cũng khen</div>

Nuôi cá lồng, trong đó có cả nuôi cá rô phi đơn tính đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bắc Sơn

Tận dụng lợi thế mặt nước hồ Vũ Lăng, Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong ở xã Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng KHKT vào nuôi cá lồng,trong đó có cá rô phi. Cá thương phẩm được sơ chế đưa ra thị trường, đạt sao OCOP, dân tăng thu nhập thấy rõ.

Cú hích từ Đề án Hợp tác xã kiểu mới

Được thành lập từ tháng 11/2010, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong đã trải qua khởi đầu với nhiều gian nan từ: Vốn, kỹ thuật, diện tích mặt nước, thị trường…

Ông Dương Hữu Chức - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Những ngày đầu, vốn điều lệ của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; Tuy nhiên, với quyết tâm thay đổi kinh tế từ nông nghiệp-nông thôn, Hợp tác xã đã không ngừng tìm tòi, học hỏi và phát triển nghề nuôi cá lồng hiện đại như ngày hôm nay.

Để phát triển bền vững, Hợp tác xã đã đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ năm 2020, Hợp tác xã đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng nhà sơ chế sản phẩm, trang bị máy đóng gói, hút chân không.

Ông Chức cho biết thêm: Trước đây việc vận chuyển cá tươi đi tiêu thụ rất tốn kém do phải dùng thùng chứa nước và máy bơm oxy. Nhờ có dây chuyền sơ chế, sản phẩm có thể bảo quản và vận chuyển dễ dàng, giúp giảm chi phí vận chuyển tới 60%.

Ngoài ra Hợp tác xã còn đầu tư máy ép cám viên với công suất 100-120 kg/giờ. Giải pháp này không chỉ giúp tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương mà còn giảm lượng thức ăn dư thừa, bảo vệ môi trường nước.

Lượng thức ăn mỗi ngày giảm từ 120kg xuống còn 80kg và nhân công cho khâu chế biến thức ăn giảm từ 3 người làm trong 3 tiếng xuống chỉ còn 1 người làm trong 1 tiếng.

Năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong đã tích cực tham gia vào "Đề án mô hình Hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả giai đoạn 2021-2025" của tỉnh Lạng Sơn. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng kế hoạch hành động phát triển bài bản.

Trong năm 2022, Hợp tác xã ký hợp đồng với một trí thức trẻ có chuyên môn về tài chính, kế toán về làm việc.

Cá được làm sạch, đóng gói hút chân không đảm bảo khi vận chuyển đi xa. Ảnh: Bắc Sơn

Để giải quyết bài toán mặt bằng, tháng 11/2022, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong đã ký hợp đồng thuê diện tích 20ha mặt nước hồ Vũ Lăng để nuôi cá lồng. Tạo tiền đề vững chắc cho dự án nuôi cá lồng bè quy mô lớn vốn điều lệ cũng được nâng từ 2 tỷ lên 3 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất.

Với những bước đi vững chắc đến nay Hợp tác xã với 8 thành viên và 12 hộ liên kết đang duy trì 20 lồng cá và 8.000 m2 mặt nước ao với đa dạng các loại cá như: Rô phi, trắm, chép. Sản lượng 20-25 tấn cá/năm, doanh thu đạt 2 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng cho các thành viên và người lao động.

Sản phẩm cá lồng sơ chế đạt sao OCOP, nông dân tăng thu nhập

Khi quy trình sản xuất được chuẩn hóa, Hợp tác xã bắt đầu hành trình nâng tầm thương hiệu. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Hợp tác xã đã lần lượt đạt được các chứng nhận quan trọng: Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (2021), tiêu chuẩn HACCP (2022), và ISO 9001:2015 (2023).

Sản phẩm cá rô phi của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023. Ảnh: Bắc Sơn

Đặc biệt vào năm 2023, sản phẩm của Hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây không chỉ là sự công nhận về chất lượng mà còn là "tấm vé thông hành" giúp sản phẩm của Hợp tác xã thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại như nhà hàng, cửa hàng tiện ích trong tỉnh thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu.

Doanh thu của Hợp tác xã nhờ đó cũng tăng trưởng qua các năm, điểm đánh giá tiêu chí theo đề án tăng từ 67 điểm (năm 2022) lên 84 điểm (năm 2024).

Dù đã đạt được những thành công đáng khích lệ, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong vẫn đối mặt với không ít thách thức như: Khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ kế cận, vướng mắc trong quy hoạch đất để xây dựng kho xưởng, và đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi còn chậm.

Không chùn bước, trong kế hoạch năm 2025, Hợp tác xã đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư chuyên sâu vào khâu sơ chế, chế biến, hoàn thiện hồ sơ vay vốn ưu đãi và xây dựng kho xưởng, mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Hợp tác xã đang tiếp tục phát triển thêm ít nhất một sản phẩm OCOP mới (sản phẩm ruốc cá trắm cỏ), đồng thời cải tiến bao bì, nhãn mác để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Mô hình nuôi cá lồng gắn với sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn thực sự trở thành động lực, thắp lên hy vọng phát triển kinh tế bền vững từ nông nghiệp.

Nguồn: https://danviet.vn

hoàng tính
hoàng tính

tin cùng chuyên mục