TRANG CHỦ / TIN TỨC - SỰ KIỆN
08:55 09/05/2025

Anh Nguyễn Đình Nghĩa đang kiểm tra các chuồng nuôi thỏ New Zealand. Ảnh: Hoàng Tính
Trang trại nuôi thỏ tự động hóa
Đó là mô hình nuôi thỏ New Zealand ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Đình Nghĩa – người đi đầu và cũng là người đầu tiên mạnh dạn thử sức với loại hình chăn nuôi này trên địa bàn xã Hợp Thành.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nghĩa phấn khởi cho biết, dù mới nuôi thỏ trong 6 tháng vừa qua, nhưng mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, đàn thỏ bố mẹ từ 50 con đã lên 250 cặp và anh cũng đã xuất bán được 6 tạ thịt thỏ thương phẩm với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg.
Trước đây, để phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Nghĩa đã trồng và chăn nuôi những cây, con truyền thống ở địa phương, nhưng hiệu quả không cao.
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường và mong muốn tìm kiếm một hướng đi mới hiệu quả hơn, anh Nghĩa đã dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình chăn nuôi tiên tiến.
Sau quá trình khảo sát và chuẩn bị kỹ lưỡng, anh đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi thỏ New Zealand, một giống thỏ có nhiều ưu điểm về năng suất và chất lượng thịt.
Bắt đầu từ tháng 10/2024 với số lượng khiêm tốn 50 con giống (40 cái, 10 đực), đến nay, trang trại của anh Nghĩa đã phát triển vượt bậc với quy mô 250 cặp thỏ bố mẹ.
Điều làm nên sự "đặc sắc" và hiệu quả của mô hình này chính là việc ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào mọi khâu trong quy trình chăn nuôi.
Anh Nghĩa cho biết thêm, ngay từ khi đầu tư chăn nuôi, anh đã quyết định xây dựng chuồng trại phải áp dụng công nghệ, vì vậy hệ thống ăn, uống nước, vệ sinh… đều được tự động hóa.

Hệ thống chăn nuôi tự động này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động mà còn đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, khoa học cho đàn thỏ, từ đó hạn chế dịch bệnh và nâng cao năng suất.
Với quy mô đầu tư gần 1 tỷ đồng cho hệ thống chuồng trại và con giống để đạt công suất 3.000 thỏ, mô hình này cho thấy sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, khác biệt hoàn toàn so với lối chăn nuôi truyền thống.
Nuôi thỏ xuất xứ New Zealand, mô hình hiệu quả
Quy trình nuôi thỏ New Zealand tại trang trại của anh Nghĩa cũng được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả. Thỏ mẹ sau khi sinh khoảng 30 ngày sẽ tách thỏ con.
Thỏ con được nuôi tập trung và chỉ sau khoảng 35-40 ngày là có thể xuất bán thương phẩm hoặc làm giống.
Đối với thỏ thương phẩm, thời gian nuôi khoảng 75 ngày sẽ đạt trọng lượng từ 2,2 đến 2,5 kg, đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.
Thỏ là loài vật dễ nuôi vì vậy các nông sản ở địa phương ngô, gạo đã được anh Nghĩa sử dụng để chế biến thành cám cùng với các chất khoáng, vitamin. Ngoài ra đàn thỏ còn được bổ sung thêm lá chuối, rau xanh…đều là những thứ rất dễ kiếm ở địa phương. Do đó chi phí trong chăn nuôi thỏ rất thấp.

Nhiệt độ chuồng nuôi phải luôn được duy trì ở mức thích hợp từ 28-42 độ C, tạo điều kiện tốt nhất cho thỏ sinh trưởng và phát triển.
Hiện tại, thịt thỏ thương phẩm từ trang trại của anh Nghĩa đang được tiêu thụ tại thị trường Nam Định.
Chia sẻ về mô hình nuôi thỏ nuôi thỏ New Zealand của anh Nghĩa, bà Hoàng Thị Huệ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc cho biết: Việc anh Nghĩa trở thành người đầu tiên đưa mô hình nuôi thỏ về xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) không chỉ mang ý nghĩa cá nhân mà còn mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn thăm quan, để hội viên nông dân huyện nắm bắt tình hình, cũng như học hỏi kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi.
Thành công bước đầu của anh Nghĩa là minh chứng sống động, khuyến khích bà con nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Hy vọng rằng, mô hình nuôi thỏ New Zealand của hội viên nông dân Nguyễn Đình Nghĩa sẽ ngày càng phát triển, nhân rộng và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của xã Hợp Thành trong tương lai không xa.
NGUỒN: Nuôi thỏ New Zealand trong phát triển kinh tế ở Lạng Sơn

tin cùng chuyên mục