TRANG CHỦ / TIN TỨC - SỰ KIỆN
Cao khô là thứ gì mà dân Chợ Bãi ở Lạng Sơn làm từ ngày này qua tháng nọ, thu nhập tốt hơn?

14:45 08/04/2025

"Trời cứ có nắng là có tiền" – câu nói vui ấy lại ẩn chứa niềm tự hào và sự thật về cuộc sống đổi thay của người dân thôn Chợ Bãi, xã Vĩnh Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn khi làm cao khô

Nghề làm cao khô truyền thống ở Chợ Bãi đã có hàng trăm năm tuổi. Nhờ biết kết hợp bí quyết cha ông với máy móc hiện đại, không chỉ được gìn giữ được nghề mà còn trở thành động lực giúp bà con “xóa nghèo” bền vững, đưa hương vị đặc sản quê hương vươn xa.

Cao khô nghề truyền thống trăm năm

Về thôn Chợ Bãi những ngày đầu tháng 4, không khí nhộn nhịp bao trùm khắp Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu – Chợ Bãi 1. Đâu đâu cũng thấy bà con tất bật tranh thủ nắng vàng để phơi những mẻ bánh cao khô mới tráng.

Anh Hoàng Văn Hoàn đang tranh thủ phơi cao khô vào lúc trời nắng. Ảnh Hoàng Tính

Chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Hoàn - một người dân trong thôn, đang nhanh tay mang những phên bánh ra sân phơi chia sẻ: Tất cả các hộ ở đây đều không sấy bánh mà phơi dưới ánh nắng tự nhiên. Chính cái nắng vàng đặc trưng của Xứ Lạng đã tạo nên bí quyết riêng cho cao khô Chợ Bãi.

“Nắng trời giúp sợi cao khô giữ được độ dai ngon đặc trưng, khi nấu dù đun kỹ vẫn không bị nát, không nhão, giữ trọn vẹn hương vị tinh túy của hạt gạo bao thai – loại gạo đặc sản phải được trồng tại Văn Quan hoặc các xã lân cận mới đạt chuẩn” anh Hoàn cho hay.

Làm cao khô là nghề gia truyền đã có hàng trăm năm ở Chợ Bãi. Quy trình làm cao đòi hỏi sự tỉ mỉ qua nhiều công đoạn: chọn gạo, nghiền thành bột mịn, tráng bánh, phơi nắng sơ bộ khoảng ba tiếng, ngâm bánh vào nước sạch, thái thành sợi mỏng và cuối cùng là phơi khô hoàn toàn dưới nắng trước khi bó thành phẩm.

Trước kia, mọi công đoạn đều làm thủ công, tốn nhiều công sức và năng suất thấp, nhất là trong khâu nghiền, tráng bánh vì vậy nhiều gia đình không có lao động đã phải bỏ nghề.

Nhận thấy vấn đề đó, nhiều người dân, tiên phong là anh Lý Anh Tuấn, đã trăn trở tìm cách đưa máy móc vào sản xuất.

Đưa máy móc vào sản xuất đã giúp việc sản xuất cao khô được thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh Hoàng Tính

 

Anh Tuấn kể lại: Từ năm 2013, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư máy móc cho các khâu xay gạo, tráng bánh. Thật mừng là bánh làm ra vẫn giữ được hương vị tự nhiên mà năng suất lại cao vượt trội. Nếu trước đây một gia đình làm thủ công chỉ được 30kg gạo/ngày, thì nay với máy móc, chúng tôi có thể làm được 500 kg gạo/ngày.

Để giảm chi phí đầu tư, nhiều hộ gia đình trong thôn đã cùng nhau góp vốn mua máy xay, máy tráng, máy thái... Sự hợp tác này đã thúc đẩy nghề làm cao khô ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Cao khô Chợ Bãi vươn mình để người dân thoát nghèo

Sợi cao khô Chợ Bãi đạt chuẩn phải có màu trắng sáng tự nhiên của gạo, mềm mại nhưng vẫn giữ độ dai đặc trưng, hình dáng tương tự sợi phở quen thuộc.

Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường, năm 2020, anh Tuấn cùng 15 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã Cao khô Chợ Bãi.

Từ khi thành lập, Hợp tác xã đã trở thành "mái nhà" thứ 2 nơi các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời đầu tư nâng cấp bao bì, mẫu mã và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản phẩm chất lượng đã đạt chứng nhận OCOP với mã QR để khách hàng tìm kiếm thông tin. Ảnh Hoàng Tính

 

Chất lượng vượt trội của Cao khô Chợ Bãi không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà còn được ngành chức năng địa phương thẩm định, công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.

Hiện nay, cao khô Chợ Bãi không chỉ có mặt khắp các tỉnh thành như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... mà còn vượt biên giới, đến với người tiêu dùng ở Nga, Trung Đông và Châu Âu. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, mang lại niềm phấn khởi lớn cho người dân.

“Dù công việc làm cao khô khá vất vả, đòi hỏi sự cần mẫn, luôn chân luôn tay, nhưng thành quả mang lại hoàn toàn xứng đáng. Thu nhập từ nghề này khá ổn định. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu được khoảng 300 triệu đồng” anh Tuấn vui vẻ cho biết.

Không chỉ có những gia đình làm chính mà sản xuất cao khô còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều lao động phụ ở địa phương, tính trung bình mỗi lao động làm cao khô có thu nhập khoảng 5-10 triệu đồng/tháng.

Nhờ cao khô mà các thành viên trong Hợp tác xã Cao khô Chợ Bãi đều đã có kinh tế khá giả, không còn hộ nào thuộc diện nghèo hay cận nghèo.

Nghề làm cao khô truyền thống ở Chợ Bãi với sự kết hợp hài hòa giữa bí quyết cha ông và ứng dụng khoa học kỹ thuật, không chỉ giúp người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa ẩm thực mà còn thực sự mang lại cuộc sống ấm no, góp phần vào công cuộc “xóa nghèo” bền vững tại địa phương.

Nguồn: https://danviet.vn

Hoàng Tính
Hoàng Tính